Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: Giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội

0 nhận xét

Ngày 19-8 tới, Công an nhân dân Việt Nam kỷ niệm 66 năm ngày thành lập. Trao đổi với báo chí về những định hướng công tác lớn của ngành CAND trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Tướng Trần Đại Quang (ảnh) cho biết:

Từ thực tế tình hình, nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng công an là hết sức nặng nề. Chúng ta chỉ có một lựa chọn duy nhất là đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia, giữ vững trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế – xã hội đất nước, mở rộng đối ngoại… Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, trước tiên phải tập trung vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, xứng đáng làm lực lượng nòng cốt để thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bên cạnh đó, một việc không kém phần quan trọng là kết hợp xây dựng cho được thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công cuộc đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Cùng đó là việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho phát triển xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang

- PV: Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia của lực lượng công an trong bối cảnh hiện nay?

Bộ trưởng TRẦN ĐẠI QUANG: Như đã nói, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục củng cố mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng công an với lực lượng quân đội nhân dân và các ban, ngành, tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như đấu tranh phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm. Phát triển quan hệ đối ngoại an ninh gắn với các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân; kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa với ngoại giao an ninh – quốc phòng. Lực lượng công an sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, nhất là các nước láng giềng trong đấu tranh, ngăn chặn ý đồ phá hoại của các đối tượng phản động; phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh biên giới, biển đảo, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích chung và của mỗi quốc gia trong khu vực.

- Vừa qua đã xuất hiện nhiều hình thức tội phạm nguy hiểm, trong đó có cả những hình thức vi phạm pháp luật rất tinh vi bằng công nghệ cao. Bộ trưởng có thể cho biết quan điểm của ông về vấn đề này và đối sách của ngành công an?

Lực lượng công an sẽ tập trung triển khai đồng bộ cả phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí “nóng” gây án nghiêm trọng, tội phạm là người nước ngoài, tội phạm khủng bố… Chúng tôi cũng chú trọng tới tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xuất nhập khẩu, trong các dự án trọng điểm, tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường và tội phạm ma túy.

Để làm tốt việc này, bên cạnh nhiệm vụ kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho lực lượng điều tra viên các cấp, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của điều tra viên trong quá trình thực thi pháp luật…, lực lượng công an cần được sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành khác và của toàn xã hội. Đơn cử như với loại tội phạm về ma túy, khó có thể đấu tranh thành công nếu không đồng thời phối hợp chặt chẽ với việc phát triển các hình thức cam kết, giao ước thi đua xây dựng gia đình, địa bàn dân cư, xã phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học an toàn về an ninh – trật tự và không có ma túy…

- Với mục tiêu “cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho phát triển xã hội” mà Bộ trưởng đã nêu, lực lượng CAND sẽ triển khai thực hiện như thế nào?

Trong công tác quản lý an ninh trật tự, sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp trong CAND, thực hiện hiệu quả Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính theo hướng giảm tối đa các thủ tục không cần thiết, kiến nghị sửa đổi, đề xuất bãi bỏ những văn bản không phù hợp, bổ sung những văn bản còn thiếu. Nghiên cứu cải tiến quy trình đảm bảo công khai minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển bền vững.

PV


(Theo website Trần Đại Quang)
Xem thêm: Trần Đại Quang

Leave a Reply

Recommended Post Slide Out For Blogger