Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang tham dự
Sau 14 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, chiều qua, 6-8, tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội), kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII đã họp phiên bế mạc. Ðến dự có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm; cùng các vị lão thành cách mạng, đại diện các đoàn ngoại giao.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII đã thành công tốt đẹp. QH kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao truyền thống yêu nước, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo hôm nay).
Quốc hội thông qua bốn Nghị quyết
Trước khi vào họp phiên bế mạc, các đại biểu QH đã tiến hành thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009. Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH về dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009; QH đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết này với kết quả 487 đại biểu tán thành, bằng 97,40% tổng số đại biểu QH.
Vào họp phiên bế mạc, QH đã thông qua ba nghị quyết quan trọng, đó là: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; Nghị quyết về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; và Nghị quyết về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; QH đã thông qua nghị quyết nói trên với 480 đại biểu tán thành, bằng 96% tổng số đại biểu.
Tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH về triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. QH đã biểu quyết bằng bấm nút thông qua nghị quyết nói trên với 479 đại biểu tán thành, bằng 95,80% tổng số đại biểu.
QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân. Sau đó, QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết này với 410 đại biểu tán thành, bằng 82% tổng số đại biểu.
Theo đó, QH đồng ý miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1-8-2011 đến hết ngày 31-12-2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 của Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân (thu nhập từ 9 triệu đồng trở xuống được miễn thuế thu nhập cá nhân). Trong số các đối tượng được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011, có đối tượng là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội…
Từng bước hạn chế nhập siêu
Tròn phiên họp buổi sáng ngày 6-8, tại hội trường, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước sáu tháng đầu năm 2011, các giải pháp thực hiện kế hoạch trong sáu tháng cuối năm 2011.
Trong thảo luận, nhiều đại biểu tập trung phân tích những nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục kiềm chế lạm phát. Ðại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, các giải pháp chống lạm phát Chính phủ thực hiện thời gian qua đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nhiều giải pháp chưa phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Ðại biểu này đề nghị, chống lạm phát cần có chiều sâu, trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giảm nhập siêu, góp phần kiềm chế lạm phát.
Liên quan đến lãi suất tín dụng tăng cao tác động đến chỉ số lạm phát, đại biểu Hà Sĩ Ðồng (Quảng Trị) cho rằng, việc thắt chặt chính sách tài chính, tín dụng đã gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Việc quy định trần lãi suất đã dẫn đến tình trạng lãi suất ngầm, chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại, gây tiêu cực cho nền kinh tế. Ðại biểu này đề nghị, cần có chính sách ưu đãi tín dụng đối với nông dân, nông nghiệp và khu vực nông thôn. Ổn định lãi suất tín dụng ở mức hợp lý. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hệ thống ngân hàng thương mại để xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm, nhất là vi phạm trần lãi suất.
Trước những ý kiến của đại biểu về tình trạng nhập siêu dẫn đến lạm phát tăng cao, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng (đại biểu tỉnh Lạng Sơn) phát biểu ý kiến làm rõ và cung cấp thêm thông tin. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhiều năm qua Việt Nam vẫn nhập siêu, từ năm 2005 và năm 2007 trở lại đây, khi Việt Nam gia nhập WTO, tình hình nhập siêu có nhiều biến động. Nguyên nhân nhập siêu là do chúng ta đang trong quá trình đẩy mạnh CNH-HÐH trong điều kiện chưa sản xuất đầy đủ máy móc, thiết bị, nên phải nhập khẩu và việc nhập khẩu là cần thiết. Trong tỷ trọng nhập khẩu hiện nay, 93% là nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu, nhập khẩu hàng tiêu dùng chưa đến 7%. Bên cạnh đó, tâm lý trong bộ phận người tiêu dùng vẫn chuộng hàng ngoại dẫn đến nhập siêu. Mặc dù là nước thu nhập không cao nhưng ô-tô sang nhất, điện thoại đắt nhất vẫn xuất hiện ở Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua, với nỗ lực của Chính phủ và các ngành chức năng, tình hình nhập siêu đã có xu hướng giảm. Năm 2011, mặc dù Nghị quyết của QH cho phép tỷ lệ nhập siêu là 18%, nhưng Chính phủ quyết tâm phấn đấu đạt tỷ lệ nhập siêu chỉ ở mức 16%. Về phát triển các dự án thủy điện có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công thương đã kiểm tra rà soát, và đình chỉ 38 dự án thủy điện nhỏ không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường. Các địa phương cũng đình chỉ nhiều dự án thủy điện nhỏ không bảo đảm về môi trường.
Ðẩy mạnh đầu tư văn hóa, giáo dục
Các chính sách an sinh xã hội đang thực hiện được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm, góp ý kiến. Ðại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Cạn) cho rằng, Chính phủ đã điều hành tốt trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng quá tải tại các trường học vẫn diễn ra. Việc đào tạo nghề được tập trung khuyến khích nhưng chưa được triển khai cụ thể, kịp thời. Ðại biểu này đề nghị, Chính phủ cần sớm hoàn thiện cơ chế và xây dựng các đề án phát triển văn hóa, giáo dục. Ðổi mới toàn diện giáo dục, ngoài việc chú trọng đào tạo trình độ chuyên môn, cần quan tâm đến bồi dưỡng giáo dục đạo đức, lý tưởng sống cho học sinh, xây dựng nhiều cơ sở vui chơi lành mạnh cho giới trẻ.
Về tình hình trật tự an toàn xã hội, đại biểu Ðặng Thị Ngọc Thịnh (Vĩnh Long) cho rằng, mặc dù công tác bảo đảm an ninh trật tự thời gian qua có những hiệu quả tích cực, nhưng vi phạm trật tự kỷ cương xã hội vẫn đáng lo ngại. Theo thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, tình hình tội phạm sáu tháng đầu năm 2011 vẫn tăng so với cùng kỳ, đặc biệt tội phạm ma túy tăng 19%, tội phạm kinh tế và chức vụ tăng 13%. Tội phạm tại khu vực nông thôn có dấu hiệu phức tạp. Ðại biểu này đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tội phạm. Ðối với công tác phòng, chống tội phạm tại nông thôn, cần được coi như một tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác bảo đảm an toàn giao thông được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý kiến. Ðại biểu Ðàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, mặc dù có nhiều biện pháp mạnh, nhưng số lượng người chết do tai nạn giao thông vẫn quá cao. Trong thời gian tới, Chính phủ cần xây dựng đề án và chỉ đạo đặc biệt để giải quyết tình trạng tai nạn giao thông hiện nay. Theo đó, công tác bảo đảm an toàn giao thông phải được thực hiện đồng bộ từ phát triển hạ tầng, phương tiện, đặc biệt là nâng cao ý thức người tham gia giao thông thông qua tuyên truyền giáo dục và nâng cao chế tài xử phạt.
Công tác cải cách hành chính được coi là khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua, tuy nhiên theo ý kiến của một số đại biểu, vẫn còn chi phí không chính thức trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Nhiều đại biểu đề nghị, công tác cải cách thủ tục hành chính thời gian tới cần được đẩy mạnh hơn nữa theo xu hướng tinh giản bộ máy hành chính, giảm thời gian thực hiện và tăng chất lượng công tác cải cách thủ tục hành chính. Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu chống quan liêu, tham nhũng trong đội ngũ công chức, đặc biệt là những vị trí, những ngành có nhiều điều kiện tham nhũng, cần thường xuyên luân chuyển cán bộ.
Tại buổi thảo luận, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hòa (đại biểu tỉnh Quảng Ninh) đã phát biểu ý kiến về việc lập dự án làm đường và cơ chế vận chuyển quặng, thành phẩm tại hai nhà máy Alumin nhôm tại Tân Rai và Nhân Cơ trên nguyên tắc an toàn, hiệu quả.
Một số đại biểu đề nghị, QH nên ban hành Nghị quyết về vấn đề Biển Ðông để tạo niềm tin trong nhân dân; tăng cường công tác đối ngoại; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và có các giải pháp xử lý nhằm tạo môi trường xã hội ổn định.
Tổng kết buổi thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các đại biểu đã phát biểu với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao, đề xuất nhiều kiến nghị, góp phần giúp công tác điều hành đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Tiếp tục đổi mới các hoạt động của QH
Ngay sau phiên họp bế mạc, đã diễn ra cuộc họp báo về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và các Phó Chủ tịch QH: Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì cuộc họp báo.
Tham dự buổi họp báo có đông đảo phóng viên của gần 100 cơ quan báo chí trong nước và 22 hãng tin nước ngoài.
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII đã thành công tốt đẹp sau 14 ngày làm việc khẩn trương. Kết quả này có sự đóng góp công sức của nhiều cấp, nhiều ngành, từ sự chỉ đạo, lãnh đạo đến việc tổ chức thực hiện cũng như công tác tham mưu phục vụ. Ðặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu QH trong việc phát huy trí tuệ, thảo luận dân chủ, sáng suốt lựa chọn và quyết định đối với tất cả những vấn đề nêu ra trong chương trình nghị sự; sự bắt nhịp nhanh chóng với thủ tục hoạt động nghị trường của các đại biểu mới trúng cử. Tại kỳ họp thứ nhất vừa qua, QH đã nghe Hội đồng bầu cử báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 (sau đây được gọi là cuộc bầu cử); nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử vừa qua; thành lập Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua Nghị quyết về việc xác nhận tư cách của 500 đại biểu QH khóa XIII.
Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, thể hiện qua nhiều phương diện khác nhau như: Cử tri đi bầu đạt tỷ lệ rất cao (99,51%); tinh thần dân chủ trong mỗi khâu, mỗi công đoạn của quy trình bầu cử được phát huy; công tác chuẩn bị và triển khai đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm. Kết quả bầu cử thể hiện rõ ý thức chính trị của cử tri, thể hiện lòng tin của cử tri đối với sự lãnh đạo của Ðảng và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Công tác bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp thứ nhất. Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng QH, hoạt động này chiếm tới gần 87% thời lượng các phiên họp toàn thể tại kỳ họp. Ðây là công việc rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong suốt cả nhiệm kỳ…
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Cuộc sống đặt ra yêu cầu phải đổi mới. QH khóa XIII có thuận lợi là đã kế thừa những kết quả và thành tựu của QH 12 khóa trước. Nhiệm kỳ nào cũng thực hiện nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong nhiều khóa gần đây tích cực phục vụ sự nghiệp đổi mới của Ðảng và nhân dân ta, tiếp tục nỗ lực đổi mới các hoạt động của QH. Thời gian tới, bên cạnh từng bước đổi mới chức năng, nhiệm vụ của mình, QH cần quan tâm đổi mới cách làm, cách thức thực hiện để hoạt động mang lại hiệu quả và chất lượng cao hơn…
Chủ tịch QH đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên tham dự cuộc họp báo.
PV
(Theo website Trần Đại Quang)