Washington khẳng định muốn giúp tháo gỡ căng thẳng trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông khi tham gia cuộc hội đàm với Bắc Kinh tại Hawaii hôm nay.
“Mỹ không có ý định đổ thêm dầu vào lửa” ở Biển Đông và “chúng tôi rất quan tâm tới việc duy trì hòa bình và ổn định tại đây”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell phát biểu hôm qua, trước vòng thứ nhất của cuộc tham vấn châu Á – Thái Bình Dương với Trung Quốc hôm nay.
“Chúng tôi đã thể hiện rất rõ ràng rằng Mỹ không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền”, AFP dẫn lời Campbell cho hay. “Tuy nhiên, chúng tôi có những nguyên tắc về tự do hải hành, giao thương cũng như duy trì hòa bình và ổn định. Những nguyên tắc đó đã có từ lâu và chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh chúng trong tất cả hoạt động tham gia ở châu Á-Thái Bình Dương”.
Ông Campbell khẳng định Mỹ không muốn “lửa bùng lên” tại khu vực này. “Chúng tôi muốn căng thẳng giảm dịu đi và các bên bình tĩnh”, Campbell nhấn mạnh.
Phát ngôn này được đưa ra sau khi phía Trung Quốc lại lên tiếng yêu cầu Mỹ tránh xa Biển Đông. “Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền” ở Biển Đông vì thế “tốt nhất là Mỹ để các bên tự giải quyết với nhau”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải phát biểu. Ông cũng nói rằng một số quốc gia “đang đùa với lửa”và hy vọng “Mỹ sẽ không bị bỏng vì ngọn lửa này”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua khẳng định Mỹ sẵn sàng cung cấp khí tài để hiện đại hóa quân đội, ủng hộ Philippines “đối phó với hành động gây hấn” trong bối cảnh tranh chấp đang ngày càng căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ và Philippines có hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951. Ngoại trưởng Philippines cho rằng văn bản đó – có quy định việc phòng thủ chung trong trường hợp có sự tấn công ở khu vực Thái Bình dương – bao gồm cả Biển Đông.
Tuần trước, Thượng nghị sĩ Mỹ kỳ cựu John McCain cũng kêu gọi chính phủ Mỹ cần tăng cường giúp đỡ ASEAN về chính trị và quân sự để đối phó với những tuyên bố chủ quyền “không cơ sở” của Trung Quốc.
Căng thẳng ở Biển Đông lên cao trong những tuần gần đây với việc Philippines và Việt Nam tố cáo Trung Quốc có hành động ngày càng quyết liệt ở Biển Đông.
Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trung Quốc đã công bố yêu sách 9 đoạn (thường gọi là đường lưỡi bò hoặc đường chữ U), ôm trọn Biển Đông và các đảo/quần đảo trong khu vực. Yêu sách này bị các nước khác bác bỏ bởi không có cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử.
Mai Trang
(Theo website Trần Đại Quang)