Bộ trưởng Trần Đại Quang: Nên đặt cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Bộ Công an

0 nhận xét
Liên quan cơ cấu tổ chức của cơ quan phòng, chống rửa tiền trong dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 22/5 đề nghị nên đặt cơ quan này tại Bộ Công an. Trong khi đó, dự thảo luật vẫn quy định như trước đây: thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền gồm 6 nội dung được các đại biểu thảo luận, trong đó vấn đề cơ quan chủ quản đã được nhiều đại biểu nêu ý kiến. Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, cần xác định cơ quan thường trực ở Ngân hàng hay Công an. Theo ông Kiêm, hai ngành quan trọng trong chống rửa tiền là Ngân hàng và Công an, mỗi ngành cần làm rõ trách nhiệm và quy chế phối hợp, còn quyết định là Thủ tướng Chính phủ.

Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và các đại biểu Quốc hội
Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và các đại biểu Quốc hội
Đại biểu Đỗ Văn Đương (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, cần liệt kê các hành vi được coi là rửa tiền để người dân nhận diện đó là hành vi rửa tiền, là tội phạm. Nếu có trợ giúp cho hành vi rửa tiền thì cũng là đồng phạm. Rửa tiền không chỉ qua giao dịch Ngân hàng mà qua nhiều kênh như bất động sản, chứng khoán… Nếu phạm vi điều chỉnh qua Ngân hàng không phù hợp, phải thiết kế nhiều nội dung liên quan đến cơ quan chống tội phạm rửa tiền và cơ quan này cần thiết phải đặt tại Bộ Công an.

Về vấn đề này, trong các phiên thảo luận trước đây, nhiều ý kiến cũng khẳng định không nên giao cho Ngân hàng làm đầu mối phòng, chống rửa tiền vì như vậy là “vừa đánh trống, vừa thổi còi”. Khái niệm rửa tiền không chỉ liên quan đến các hoạt động của ngân hàng mà nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực tài chính khác. Trên thực tế, các cơ quan khác theo góc độ hoạt động chuyên môn của mình cũng chỉ phát hiện những dấu hiệu về vi phạm rửa tiền, phát hiện dấu hiệu thông qua giao dịch đáng ngờ, còn có tội hay không có tội thì phải tiến hành điều tra, xét xử. Như vậy tất cả các cơ quan khác khi tiến hành nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến giao dịch mà phát hiện được giao dịch đáng ngờ thì đó chỉ là cơ quan cung cấp bước đầu về mặt hiện tượng. Còn điều tra xem nó có tội không, nguồn tiền, tài sản đó có phải phạm tội mà có không thì phải là cơ quan điều tra.

Vì thế, để cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Bộ Công an thì hợp lý và tất cả những cơ quan có liên quan khi phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ, trong đó có Ngân hàng thì có trách nhiệm cung cấp đến các cơ quan phòng, chống rửa tiền trực thuộc Bộ Công an để cơ quan này tiến hành các nội dung điều tra, xác minh, xem xét nguồn gốc tài sản đó có phải phạm tội không.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng, cần có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan để có hiệu quả và khả thi. Cần có cơ chế cụ thể để tiếp cận thông tin, phát hiện tội phạm. Về các hành vi bị cấm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thẳng thắn: cần bổ sung thêm tình hình tham nhũng xảy ra nghiêm trọng trong lĩnh vực này. Trong dự luật còn có sơ hở là không quy định tài sản khi con cái trưởng thành, có khi đối tượng tham nhũng rồi cho người thân, con cái đứng tên thành lập doanh nghiệp…

Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Nhiều vấn đề được đặt ra như: làm thế nào để dự án luật phòng, chống tác tại của thuốc lá được ban hành có tính có khả thi cao, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả? Hay, những nơi nào sẽ bị cấm hút thuốc lá, lứa tuổi nào không được mua thuốc lá? Có nên thành lập quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá? Đáng chú ý, một số ý kiến còn băn khoăn lo ngại rằng sau khi ban hành Luật, có thể làm giảm nguồn thu thuế từ thuốc lá, làm ảnh hưởng đến việc làm của 20.000 người sản xuất thuốc lá, gần 200.000 nông dân tham gia trồng cây thuốc lá, nhất là ở một số địa bàn xác định thuốc lá là cây giúp xóa đói giảm nghèo và có thể ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người tham gia bán lẻ thuốc lá…

Về quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ (đại biểu tỉnh Bình Định) tán thành với phương án lập quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. “Nếu sử dụng ngân sách sẽ khó chi cho các hoạt động cộng đồng, khó đáp ứng, khó tạo được bứt phá trong hoạt động này, hiệu quả không cao” – Bộ trưởng Huệ nói.

Liên quan đề án bỏ phiếu tín nhiệm chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng: Bỏ phiếu tín nhiệm là một nội dung nằm trong luật với điều kiện quy định việc bỏ phiếu chỉ thực hiện khi hội đủ 20% ý kiến đại biểu đề xuất, nhưng trong một kỳ họp hay trong cả nhiệm kỳ thì cũng chưa được quy định rõ. Đề án này kể cả trong trường hợp Quốc hội xem xét thông qua thì cũng phải sửa luật thì mới thực hiện được, bởi đề án không thể trái luật.

Theo ông, việc thực hiện bỏ phiếu hàng năm không cần hội đủ yêu cầu tỷ lệ phần trăm đại biểu kiến nghị. Tỷ lệ đó chỉ có ý nghĩa trong trường hợp bỏ phiếu bất thường. Còn các Bộ trưởng nhất thiết phải tiến hành bỏ phiếu hàng năm. Nguyên tắc chung là quy trình phải được xem xét chặt chẽ. Các đại biểu khi tiến hành bỏ phiếu phải có đủ thông tin về người được bỏ phiếu. Một thông tin sai lệch có thể làm phương hại đến cá nhân nào đó, khiến một Bộ trưởng đáng lẽ phải nghỉ thì không nghỉ, trong khi Bộ trưởng cần được làm thì lại phải nghỉ. Do đó, các vấn đề về nhân sự đều phải tiến hành một cách cực kỳ chặt chẽ và thận trọng, đủ quy trình. Hiện tại, các kỳ họp, Chính phủ đều báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ của mình còn từng Bộ trưởng thì không. Do đó, đại biểu không đủ thông tin để bỏ phiếu tín nhiệm, thường phải dựa vào thông tin qua báo chí, qua đơn thư khiếu nại, qua chất vấn và trả lời chất vấn.

Đồng thời, để bỏ phiếu tín nhiệm tốt cần có cơ chế mới về chế độ báo cáo. Theo đó, hàng năm các thành viên phải có bản kiểm điểm của mình gửi cho tất cả các đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết bỏ phiếu bất tín nhiệm ai đó thì Quốc hội cần thảo luận, còn bình thường thì đây là báo cáo kiểm điểm cuối năm, không cần thảo luận.

Theo CAND

Xem thêm: Trần Đại Quang

Leave a Reply

Recommended Post Slide Out For Blogger