Ngày 13/11/2011, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) tổ chức thông xe và đưa vào khai thác đoạn từ km210+00 (Cầu Giẽ) đến km230+700 (QL21) thuộc Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình.
Tới dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, các Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Đông cùng lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua là Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
Theo ông Trần Xuân Sanh, Chủ tịch HĐTV VEC, trước tình hình các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường cao tốc gặp nhiều khó khăn, vốn ngân sách Nhà nước không đáp ứng được nhu cầu, ODA giảm dần, Bộ GTVT đã thí điểm thành lập VEC và giao nhiệm vụ đầu tư Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình theo phương thức huy động vốn bằng trái phiếu công trình. Dự án có chiều dài 56km, đây là tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100-120km/h.
Ông Sanh cũng cho biết, từ khi khởi công đến nay, dự án luôn phải đối mặt với những khó khăn về thu xếp vốn và GPMB. Đặc biệt trong giai đoạn suy thoái nền kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, giá cả vật tư, xăng dầu biến động cao, lãi suất huy động vốn tăng trên 200%. Công tác GPMB của dự án cũng gặp khó do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên các địa phương không bàn giao đúng kỳ hạn. Tình hình đó khiến cả chủ đầu tư và nhà thầu đã không đáp ứng được tiến độ như mong muốn.
“Thời gian gần đây, với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, những bế tắc về GPMB và vốn cho dự án đã được khai thông. Chính vì vậy, VEC đã có cơ hội để phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào 30/6/2012. Trước mắt việc thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác đoạn từ Cầu Giẽ – QL21 ngày hôm nay sẽ giảm bớt được ùn tắc giao thông trên tuyến huyết mạch QL1A và góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương có tuyến đường đi qua nói riêng và khu vực phía Bắc, cũng như cả nước nói chung”- ông Sanh khẳng định.
Ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho rằng, việc thông xe kỹ thuật đoạn Cầu Giẽ – QL21 Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình là thành quả của một quá trình lao động, xây dựng trong nhiều năm của chủ đầu tư, các nhà thầu và chính quyền các địa phương. “Hà Nam rất vinh dự và tự hào khi có một dự án đường bộ cao tốc đi qua trên địa bàn, đặc biệt hơn nữa bởi đây là đoạn cao tốc đầu tiên của khu vực phía Bắc được thông xe và đưa vào khai thác. Việc đoạn tuyến này đưa vào khai thác là động lực lớn để Hà Nam và các địa phương có tuyến đường đi qua phát triển kinh tế- xã hội”- ông Dũng khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ thông xe, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặc biệt biểu dương và ghi nhận những nỗ lực vượt khó của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên chủ đầu tư VEC và các nhà thầu trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để thực hiện dự án. Trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, quá trình triển khai tuyến đường cũng gặp phải nhiều vướng mắc, nhưng VEC và các nhà thầu đã thông xe được 23km đầu tiên của dự án. Việc đưa đoạn đường này vào khai thác là hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh giao thương phát triển kinh tế- xã hội giữa các địa phương, đồng thời còn góp phần đắc lực giảm ách tắc và tai nạn giao thông trên tuyến QL1A.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đột phá phát triển hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt là xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam là nhiệm vụ đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra và là ưu tiên hàng đầu. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành GTVT là rất nặng nề, chính vì vậy, Bộ GTVT và VEC phải rất nỗ lực để thực hiện đầu tư, kêu gọi vốn đồng thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong cơ chế chính sách, GPMB, vốn,… để xây dựng hạ tầng giao thông nói chung và các tuyến cao tốc nói riêng. Từ nay đến năm 2020, ngành GTVT phấn đấu hoàn thành khoảng 2.000 km đường cao tốc.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu VEC và các nhà thầu phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nốt đoạn từ QL21 đến Ninh Bình trong tháng 6/2012, đồng thời đẩy mạnh thi công và hoàn thành đúng tiến độ các dự án đường cao tốc như: Hà Nội – Lào Cai, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và tích cực chuẩn bị, huy động vốn để đầu tư các dự án khác, xứng đáng là đơn vị nòng cốt trong phát triển đường cao tốc tại Việt Nam. Sau buổi lễ thông xe này, VEC phải tiếp tục hoàn thiện dự án và tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm khi thực hiện đoạn tuyến đầu tiên của Dự án Cầu Giẽ – Ninh Bình để triển khai đoạn tuyến còn lại, đồng thời tổ chức tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông và khai thác hiệu quả tuyến đường đã được thông xe ngày hôm nay.
Đức Thắng – Văn Thanh (Theo GTVT)
(Theo website Trần Đại Quang)