Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Toàn cảnh phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng
Hôm nay 15/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (BCĐ) và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng BCĐ đồng chủ trì phiên họp thứ 16 của BCĐ.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình… tham dự phiên họp.
Phiên họp nhằm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng quý III/2011, chỉ đạo nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012; thảo luận, xem xét một số vấn đề liên quan như việc phân công nhiệm vụ của các thành viên BCĐ; việc thành lập các đoàn công tác nắm tình hình và kiểm tra việc sơ kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí”.
Khởi tố nhiều vụ sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng
Trong quý III/2011, công tác phòng, chống tham nhũng đã tiếp tục bám sát, phục vụ thiết thực các nhiệm vụ chính trị của đất nước và đạt được những kết quả tích cực.
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố nhiều vụ sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, đặc biệt là vụ lừa đảo, tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương, chi nhánh Nhà Bè, sai phạm 3.400 tỷ đồng; lừa đảo, tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Phát triển chi nhánh Đắk Lắk – Đắk Nông, sai phạm 1.000 tỷ đồng; Công ty Công Chính tại tỉnh Lâm Đồng lừa đảo, chiếm đoạt của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương và một số ngân hàng khác 500 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2011, Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai 2.129 cuộc thanh tra, kết thúc 937 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm gần 208 tỷ đồng, hơn 242 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 83 tỷ đồng, hơn 72 ha đất; kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý gần 125 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 52 tập thể, 152 cá nhân, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 6 vụ việc và 14 cá nhân.
Về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong 9 tháng đầu năm 2011, đã khởi tố 161 vụ/327 bị can về các tội danh tham nhũng (so với cùng kỳ năm 2010, giảm 2,4% về số vụ, giảm 2,3% về số bị can); truy tố 174 vụ/353 bị can về các tội danh tham nhũng (so với cùng kỳ năm 2010 giảm 26,2% về số vụ, giảm 35,8% về số bị can); xét xử sơ thẩm 167 vụ/392 bị cáo về các tội danh tham nhũng (so với cùng kỳ năm 2010 giảm 14,3% về số vụ, giảm 8,6% về số bị cáo).
Đối với 13 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà BCĐ tập trung chỉ đạo, đến nay đã xét xử sơ thẩm 1 vụ; Tòa án đang thụ lý 2 vụ; Viện kiểm sát đang truy tố 2 vụ; cơ quan điều tra đang điều tra 6 vụ; tạm đình chỉ điều tra 1 vụ và đình chỉ điều tra 1 vụ.
Đối với 13 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà BCĐ giao Văn phòng BCĐ theo dõi, đôn đốc, đến nay đã xét xử giám đốc thẩm 1 vụ; xét xử phúc thẩm 1 vụ; xét xử sơ thẩm 4 vụ; Tòa án đang thụ lý 4 vụ; cơ quan điều tra đang điều tra và điều tra bổ sung 2 vụ; tạm đình chỉ điều tra 1 vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn có những mặt hạn chế như tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vẫn bị chậm; thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ phạm tội trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây lo ngại trong dư luận xã hội.
Quá trình theo dõi 22 vụ án lớn trong hoạt động tín dụng, ngân hàng cho thấy tổng tài sản sai phạm lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trên 3.000 lượng vàng, song việc phát hiện chủ yếu qua đơn thư tố cáo, ít được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán.
Tập trung xử lý dứt điểm những vụ tham nhũng nghiệm trọng, phức tạp
Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, các thành viên BCĐ thống nhất nhận định, công tác phòng, chống tham nhũng trong quý III/2011 tiếp tục được chỉ đạo sát sao và đạt được những kết quả tích cực trên các mặt, trong đó có nhấn mạnh tới vai trò của báo chí đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; song cũng cho rằng tình hình tham nhũng vẫn có những diễn biết hết thức phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, hiện nay tội phạm tham nhũng không chỉ xảy ra trong một số lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, ngân hàng… mà còn ở các lĩnh vực khác.
Tham nhũng không chỉ gây hậu quả về mặt kinh tế mà còn làm mất cán bộ và hơn tất cả là làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống tham nhũng, các thành viên BCĐ nhấn mạnh yêu cầu đặt ra là phải tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng. Tập trung xử lý dứt điểm những vụ án tham nhũng nghiệm trọng, phức tạp mà BCĐ và Văn phòng BCĐ đang theo dõi, đôn đốc, không để dây dưa, kéo dài.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề xuất, cần đặc biệt lưu ý tới công tác giám định tư pháp, bởi đây là một trong những khâu còn có những tồn tại, hạn chế nhất định, gây chậm tiến độ xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, truy tố, xét xử
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong quý III/2011, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được triển khai đồng bộ, tích cực với các giải pháp hiệu quả, thể hiện trong các mặt công tác từ truyên truyền, giáo dục pháp luật, hợp tác quốc tế đến xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng.
Những kết quả đạt được trong phòng chống tham nhũng là cụ thể, có tác dụng tích cực, thể hiện được quyết tâm liên tục của Đảng và Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi hơn; có những vụ án, vụ việc tham nhũng xử lý chậm, để kéo dài, gây suy diễn trong dư luận xã hội…
Nhấn mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải có đánh giá sâu, làm rõ được đúng thực trạng về tham nhũng, qua đó có chủ trương, chỉ đạo các giải pháp cụ thể, hiệu quả, sát thực tế đối với công tác này.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng có các nghiên cứu chuyên sâu nhằm làm rõ đúng thực trạng về tham nhũng; những mặt làm được và mặt chưa làm được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nắm vững quan điểm chỉ đạo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là phải kiên trì, bền bỉ với các giải pháp quyết quyết liệt, triệt để, hiệu quả, đồng bộ… trên cả 2 mặt là ngăn chặn, phòng ngừa và chống tham nhũng.
Trong nhóm công tác phòng ngừa tham nhũng, trước hết phải tiếp tục tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; tuyên truyền, giáo dục…; tập trung mạnh vào việc phòng ngừa tham nhũng ở lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều kẽ hở, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như thu hồi đất, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công…
Khi đã phát hiện các hành vi tham nhũng, phải xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật… với những bản án thích đáng, đủ sức răn đe; đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng và có các biện pháp bảo vệ những cá nhân phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng. Thông tin trên báo chí phải bảo đảm tính khách quan, trung thực về những mặt đã làm được, những mặt chưa làm được; tránh thông tin phiến diện, một chiều, thổi phồng sự kiện làm dư luận hiểu lầm sự vụ là “đầu voi đuôi chuột”.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; đồng thời Thủ tướng cũng cho quan điểm chỉ đạo để sớm đưa ra xét xử trong những tháng cuối năm 2011 đối với một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc
(Theo website Trần Đại Quang)