“Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải trực tiếp tổ chức chỉ đạo, chấn chỉnh việc chấp hành điều lệnh nội vụ, điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, quy trình, chế độ công tác, lễ tiết tác phong, nền nếp sinh hoạt trong đơn vị và kỷ luật lao động”.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Rất nhiều tập thể và cá nhân Công an tiêu biểu trên mặt trận phòng chống tội phạm, cũng như các lĩnh vực công tác khác được nhân dân khen ngợi. Tuy nhiên, ở một vài đơn vị, địa phương vẫn để xảy ra những vụ việc liên quan đến sai phạm của cán bộ, chiến sỹ, gây bức xúc trong dư luận.
CBCS Công an nhân dân giúp dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt.
Lãnh đạo Bộ Công an mà trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang thường xuyên quan tâm, đôn đốc chỉ huy Công an các cấp phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác xây dựng lực lượng CAND; kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sỹ có biểu hiện sai phạm. Để đẩy mạnh hơn nữa vấn đề này, ngày 28/9/2011, Bộ Công an đã ra Chỉ thị về Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân, với 7 nhiệm vụ cụ thể. Báo CAND xin giới thiệu với bạn đọc.
Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”; thời gian qua, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong công tác, chiến đấu; tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ sai phạm giảm; xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, ở một số đơn vị, địa phương đã xảy ra các vụ việc có liên quan đến sai phạm của cán bộ, chiến sĩ Công an gây bức xúc trong dư luận. Một số đối tượng xấu đã lợi dụng để kích động tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, đập phá phương tiện, trụ sở làm việc, gây thương tích nặng cho nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an… Tình hình đó tác động xấu đến an ninh, trật tự, làm giảm uy tín của lực lượng Công an nhân dân.
Nguyên nhân để xảy ra các vụ việc trên, trước hết là do cấp ủy, lãnh đạo Công an đơn vị, địa phương chưa thực sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ huy; công tác quản lý cán bộ, giáo dục ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân chưa chặt chẽ, thường xuyên; một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thiếu rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức, năng lực công tác còn hạn chế, dẫn đến vi phạm quy trình công tác, có lời nói, thái độ ứng xử chưa đúng mực; bị động, lúng túng trong xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, Bộ trưởng yêu cầu:
Thứ nhất: Cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quần chúng của Đảng; tư tưởng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải trực tiếp tổ chức chỉ đạo, chấn chỉnh việc chấp hành điều lệnh nội vụ, điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, quy trình, chế độ công tác, lễ tiết tác phong, nền nếp sinh hoạt trong đơn vị và kỷ luật lao động.
Thực hiện nghiêm túc quy định về sinh hoạt Đảng, sinh hoạt chuyên môn từ đơn vị cơ sở đến các cấp ủy Đảng và Công an các cấp. Trong đó, cần thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy hiệu quả tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên và từng chi bộ, đơn vị cơ sở.
Thứ hai: Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm và tập trung xử lý tốt các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự; không để phát triển thành “điểm nóng”. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Chỉ thị 04/2007/CT-BCA (V11) ngày 13/2/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc tăng cường công tác quản lý, giáo dục và xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, chiến sĩ Công an có sai phạm.
Thứ ba: Cán bộ, chiến sĩ trong khi thi hành công vụ phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế, quy trình công tác, điều lệnh, quy tắc ứng xử; lễ tiết, tác phong đúng mực, lời nói, thái độ có văn hóa. Trong giải quyết những vụ việc phức tạp, nhạy cảm phải quán triệt nguyên tắc kiên quyết tấn công tội phạm; đồng thời, phải hết sức khôn khéo, bình tĩnh, linh hoạt, sáng tạo, giải quyết tốt các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ và pháp luật; không được đối đầu gây xung đột với nhân dân để các đối tượng cơ hội, phần tử xấu lợi dụng, kích động tụ tập gây rối…
Thứ tư: Cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị đề cao trách nhiệm, tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; quản lý các mặt công tác, hoạt động, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ nhất là đối với các lực lượng thường xuyên quan hệ, tiếp xúc với nhân dân. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Việc xử lý phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; nghiêm cấm việc bao che, né tránh, báo cáo không trung thực, cản trở việc xác minh, xử lý kỷ luật; chống tư tưởng thành tích hoặc định kiến, trù dập đối với cán bộ, chiến sĩ sai phạm; xử lý kỷ luật phải đi đôi với việc giáo dục, giúp đỡ tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ sửa chữa khuyết điểm. Quyết định xử lý kỷ luật phải phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi sai phạm.
Đối với số cán bộ tuy không rõ về hành vi vi phạm, nhưng bê trễ trong công việc, phát ngôn không đúng quy định, tác phong lối sống bê tha, có biểu hiện làm ăn kinh tế bất minh… phải có biện pháp giáo dục, kiểm điểm nghiêm túc, xác định thời gian để phấn đấu, khắc phục; nếu không sửa chữa được thì phải giải quyết bằng các biện pháp công tác tổ chức của ngành.
Những đơn vị, địa phương trong năm có nhiều cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng hoặc để xảy ra tình trạng cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân dẫn đến tụ tập đông người, gây mất ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn, đồng chí Thủ trưởng đơn vị, địa phương là người chịu trách nhiệm chính, phải tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc các cá nhân sai phạm và cá nhân liên đới chịu trách nhiệm, kiểm điểm trước cấp ủy, chính quyền địa phương và lãnh đạo Bộ Công an. Tập thể và lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương này không được xét các danh hiệu thi đua.
Thứ năm: Công an các đơn vị, địa phương duy trì thường xuyên kiểm tra việc chấp hành điều lệnh nội vụ, quy chế, quy trình công tác. Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ thanh tra, kiểm tra chuyên đề; thành lập các tổ thanh tra đặc biệt trực thuộc Bộ trưởng và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi cần thiết để tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, kịp thời các vụ việc tiêu cực, vi phạm nghiêm trọng.
Thứ sáu: Các cơ quan tuyên truyền, báo chí của lực lượng Công an phải chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, tuyên truyền ngoài ngành tăng cường tuyên truyền về những thành tích, những việc làm tốt, những tấm gương dũng cảm trong đấu tranh phòng chống tội phạm, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến của lực lượng Công an. Thủ trưởng các đơn vị, địa phương tăng cường quan hệ với các cơ quan báo chí, xây dựng quy chế phối hợp trao đổi thông tin và nội dung tuyên truyền, tạo mối quan hệ tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, hạn chế tình trạng báo chí chỉ khai thác đưa tin một chiều về các sai phạm của cán bộ, chiến sĩ. Thực hiện nghiêm túc Quy chế về phát ngôn của Bộ Công an.
Đối với những trường hợp báo chí đưa tin, phản ánh về sai phạm của cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị, địa phương nào thì Thủ trưởng đơn vị, địa phương đó có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng nhanh chóng xác minh, kết luận sự việc; nếu đúng, phải tiếp thu, chấn chỉnh, trả lời cơ quan báo chí và nghiêm túc xử lý hoặc đề xuất xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ sai phạm. Trường hợp báo chí đưa tin sai hoặc chưa chính xác thì yêu cầu đính chính kịp thời và tùy theo mức độ đưa tin sai lệch sự thật để đề xuất các cơ quan liên quan có hình thức xử lý phù hợp.
Thứ bẩy: Tổ chức tiếp thu ý kiến của nhân dân, của các cơ quan Nhà nước và báo chí đối với lực lượng Công an. Từng địa phương phải tổ chức tiếp dân theo đúng quy định của Bộ. Lập các hòm thư để nhân dân góp ý kiến. Hàng tháng, cấp ủy và Thủ trưởng đơn vị phải tổng hợp ý kiến góp ý để xem xét, xử lý kịp thời những ý kiến phản ánh của nhân dân.
Lãnh đạo Bộ giao cho Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm tổ chức quán triệt nghiêm túc Chỉ thị này đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ; xây dựng kế hoạch thực hiện và định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả lên lãnh đạo Bộ; đồng thời giao Tổng cục III chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ giúp lãnh đạo Bộ xây dựng kế hoạch và hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này
C.A.
(Theo Cand)
(Theo website Trần Đại Quang)