Ông Trần Đại Quang dự phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo tổng kết hiến pháp 1992

0 nhận xét

Hôm nay 18/10, Ban chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo.

Họp phiên thứ nhất Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992

Họp phiên thứ nhất Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, lãnh đạo các bộ ngành, UBND thành phố Hà Nội, các thành viên Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo tham dự cuộc họp.

Các thành viên Ban chỉ đạo đã thảo luận, thông qua quy chế, chương trình, kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ đối với các thành viên của Ban chỉ đạo, thành lập Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo.

Các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, việc tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 đòi hỏi phải thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ trong một thời gian ngắn, với nhiều cuộc hội thảo, kiểm tra, đôn đốc việc tổng kết thi hành Hiến pháp ở các bộ ngành, địa phương… Do đó, các thành viên cần dành thời gian tập trung cho công tác này một cách thích đáng, bảo đảm cho việc tổng kết đạt chất lượng và hiệu quả, nhất là với các đề xuất, kiến nghị lên Đảng và Nhà nước.

Các thành viên Ban chỉ đạo cũng đề nghị tổ chức tổng kết và xây dựng báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp theo chuyên đề đối với các bộ, ngành, địa phương được phân công; trong đó, tập trung làm rõ những kết quả đạt được, những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các quy định của Hiến pháp liên quan đến việc thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành, địa phương mình.

Việc tổng kết tại các bộ, ngành, địa phương phải được triển khai khẩn trương nhưng bảo đảm chất lượng, tránh hình thức, hời hợt, với sự kiểm tra, giám sát nghiêm túc, chặt chẽ từ Ban chỉ đạo. Trong quá trình tổng kết, cần bảo đảm sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và nhân dân.

Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi cá nhân, tổ chức và công dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, phản ánh kịp thời các ý kiến đóng góp, sáng kiến, đề xuất của nhân dân trong quá trình tổng kết.

Các thành viên Ban chỉ đạo cũng kiến nghị bổ sung thêm một số ủy viên trong Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo như các chuyên gia của một số bộ, ngành.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ từ nay đến cuối năm 2011.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ từ nay đến cuối năm 2011.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cần bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ cần chủ động tham gia sâu ngay từ đầu và trong suốt quá trình tổng kết, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để có những đề xuất, tham mưu với Đảng và Nhà nước về sửa đổi, bổ sung “đạo luật gốc” có ý nghĩa cực kỳ quan trọng này.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ từ nay đến cuối năm 2011. Việc tổng kết phải đạt chất lượng cao về mặt lý luận và thực tiễn, làm cơ sở cho những đề xuất, kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước.

Ngày 28/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992; đồng thời quyết định thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992.

Ban chỉ đạo gồm 16 thành viên, do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Phó trưởng ban thường trực, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam làm Phó trưởng ban và các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Ủy viên Ban chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ giúp việc là người phát ngôn của Ban chỉ đạo.

Lê Sơn

(Theo Chinhphu)


(Theo website Trần Đại Quang)
Xem thêm: Trần Đại Quang

Leave a Reply

Recommended Post Slide Out For Blogger