Con đường “Nam quốc sơn hà” (Kỳ 6): Con đường đi giữa lòng dân

0 nhận xét

Ở đâu có bộ đội, ở đó có công tác dân vận. Con đường tuần tra biên giới mở ra không chỉ làm cho thế đứng biên cương thêm vững vàng mà dấu chân người lính mở đường đi tới đâu, quan hệ quân dân càng thêm gắn bó. Có một con đường đi giữa lòng dân…

Làm đường nhanh nhờ dân vận khéo

Ngày đặt chân lên cung đường Mường Típ từ mốc L7 đến mốc L10, thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, kỹ sư Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc xí nghiệp thi công cơ giới, Công ty 789 thật sự ngao ngán bởi có quá nhiều khó khăn. Đây là địa bàn biên giới thuộc một trong những huyện nghèo nhất của đất nước, nằm trên đỉnh Pu Vai Lai Leng, cao 2.711m, địa hình dốc đứng, đường độc đạo, xa trung tâm hàng trăm ki-lô-mét, vận chuyện vật liệu cực kỳ chật vật. Họ vượt nắng thắng mưa, mở những đoạn đường đầu tiên, cho đến một ngày nọ…

Gia đình anh A Lỗi ở Dục Nông (Kon Tum) đã cho bộ đội mượn đất làm doanh trại mở đường tuần tra biên giới.

Gia đình anh A Lỗi ở Dục Nông (Kon Tum) đã cho bộ đội mượn đất làm doanh trại mở đường tuần tra biên giới.

Vào bản Ải Khe, con đường vấp sự cố đầu tiên khi đi qua mấy cái rào gỗ cạnh luống rau của dân, lập tức bà con người Mông kéo ra đòi… đền bù. Anh em cầu thị, xin dân cho bồi thường với mức… 2 triệu đồng. Con đường lại vươn dài tiếp.

Một ngày nọ, con đường vướng phải một khu chuồng trại chăn nuôi bò. Anh em báo về, chủ trang trại đòi bồi thường… 40 triệu đồng! Choáng thật! Lãnh đạo xí nghiệp cùng anh em khăn gói quả mướp lên gặp dân, tới cả nhà trưởng bản “dân vận” mà vẫn không thành. Đồng bào Mông đã nói là làm, để làm thay đổi suy nghĩ của họ còn khó hơn vần đá tảng. Bàn bạc mãi, anh em mới chợt nhớ ra, ở lâu nhất và được đồng bào quý nhất nơi đây, không ai hơn bộ đội biên phòng. Vậy thì trước hết phải “quân vận”, nhờ anh em biên phòng nói với bà con. Đồn biên phòng thấy bộ đội 789 cầu thị, nhận lời giúp. Quả nhiên, qua bộ đội biên phòng phân tích điều hơn lẽ thiệt, giới thiệu về ý nghĩa con đường, về tấm lòng bộ đội 789, ông trưởng bản “gật đầu”, rồi ông nói với chủ trại bò. Giữa lúc ông chủ trại bò còn lưỡng lự thì câu chuyện dở dang vì cô con gái rượu mới 9 tuổi của ông bất ngờ lên cơn sốt. Trưởng bản đã mời thầy mo cúng 3 ngày mà bệnh không thuyên giảm. Hưng vào nhà ông, trong túi xách anh mang theo có rất nhiều thuốc dự phòng, nhưng toàn thuốc cho người lớn. Đường ra trạm xá thì rất xa. Đắn đo suy tính, Hưng lóe lên ý tưởng gọi cho cô bạn là bác sĩ ở Hà Nội. Bạn bày cho cách bẻ đôi từng viên thuốc cho cô bé uống. Đứa bé khỏi bệnh trong niềm vui mừng khôn tả của ông chủ. Bữa rượu nghĩa tình khiến mọi người hiểu nhau hơn. Người dân không đòi bồi thường mà “miễn phí”. Con đường lại tiếp tục vươn xa.

Lại một bữa khác, con đường theo thiết kế đi xuyên qua một nghĩa địa của đồng bào dân tộc Mông. Gọi là nghĩa địa, nhưng đồng bào sau khi chôn cất thường không tu tạo, chăm sóc mồ mả như người Kinh, vì vậy đơn vị khảo sát, thiết kế không thể phát hiện ra nghĩa địa. Đến khi thi công, sự việc mới phát lộ, đồng bào ra ngăn cản. Thuyết phục, vận động di dời mộ thì đồng bào không đồng ý. Hưng xin phép điều chỉnh, nắn tuyến con đường để tránh nghĩa địa của dân.

Vừa làm đường vừa giúp dân

Đường tuần tra biên giới khu vực bản Nà Khoa, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đi qua một địa bàn khá “nóng”. Nơi đây là một bản đồng bào Mông di cư từ phía Nam về định cư, tiềm ẩn tội phạm ma túy và hiện tượng truyền đạo trái phép, từng làm đau đầu các chiến sĩ biên phòng. Địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều khe sâu, núi cao, hệ thống đường đến đồn biên phòng và từ đồn biên phòng ra biên giới hầu như chưa được đầu tư, đi lại chủ yếu bằng các lối mòn, đời sống của đồng bào rất khó khăn, sản xuất hàng hóa chưa phát triển, nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu. Khi bộ đội của Công ty 492 (Binh đoàn 12) và Công ty Trường Thành (Bộ đội Biên phòng) lên mở đường đã vấp phải một “rào cản” hết sức nguy hiểm. Xuất hiện những kẻ xấu đứng phía sau kích động đồng bào “cấm vận” bộ đội, không bán thực phẩm, không cho mở đường, đòi hỏi bồi thường vô lý với giá tiền cao “cắt cổ”. Bọn xấu còn xuyên tạc bộ đội mở đường để chiếm đất của dân. Có 6 hộ dân nhà nằm ngoài lộ giới đường nhưng vẫn đòi bồi thường với lý do… cần được di dời đi chỗ khác!

Trước những điều trớ trêu ấy, Trung tá Hà Đức Thuận, Giám đốc xí nghiệp Xây lắp 1, Công ty Trường Thành bực lắm. Anh bàn với anh em đồn biên phòng, đẩy mạnh dân vận, cô lập kẻ xấu, gần gũi giúp đỡ đồng bào. Bà con nghèo đến mức thường đến lán bộ đội xem nhờ ti-vi. Thế là anh Thuận bàn với anh em, mua ti-vi, loa đài tặng các thôn bản. Anh cũng cho in sao các đĩa DVD về con đường tuần tra biên giới, tặng cho đồng bào xem, giúp đồng bào hiểu thêm ý nghĩa con đường. Anh cũng cho tuyển nhiều lao động phổ thông là các thanh niên địa phương, từ Mường Chà, Mường Ẳng lên tham gia làm đường. Họ trở thành cầu nối giữa bộ đội và đồng bào thêm gần gũi hơn. Riêng chuyện bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong khi chờ địa phương giải quyết, kẻ xấu tiếp tục kích động, Thuận đã bàn với lãnh đạo Công ty, vay tiền ngân hàng, ứng trước hơn một tỷ đồng trả trước cho dân. Đồng bào dần hiểu ra, ủng hộ bộ đội làm đường. Sáu hộ đòi di dời giờ đây lại tình nguyện xin ở lại, không cần bồi thường vì thấy con đường…quá đẹp! Chưa hết, chỉ riêng việc anh Thuận đề xuất các nhà thầu mua xi măng của Nhà máy xi măng Điện Biên phục vụ làm đường thay cho dùng xi măng của các hãng khác đã giúp trên toàn tuyến đường ở Điện Biên tiêu thụ hơn 60.000 tấn xi măng, một nguồn “đầu ra” không nhỏ, thúc đẩy cơ hội việc làm và thu nhập cho địa phương.

Con đường tới bản Nà Khoa, Mường Nhé (Điện Biên) giúp đồng bào dân tộc Mông tiện lợi trong đi lại, sản xuất.

Con đường tới bản Nà Khoa, Mường Nhé (Điện Biên) giúp đồng bào dân tộc Mông tiện lợi trong đi lại, sản xuất.

Khi Trung tá Nguyễn Văn Thăng, Phó giám đốc xí nghiệp TK21 của Công ty 319 tới xã Xuân Nha, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, bà con bản Cột Mốc đã kéo đến hỏi thăm, ngồi nói chuyện râm ran trong căn nhà gỗ bản doanh của xí nghiệp. Chủ tịch xã Đinh Văn Quán cũng có mặt thăm dò tiến độ làm đường của đơn vị. Mọi thứ thay đổi quá nhanh so với hai năm trước, khi anh Thăng cùng đồng đội đến nơi này, bà con dân bản 100% là người Mông nhìn các anh lạ lẫm, phần đông không biết tiếng Kinh, chẳng ai trò chuyện. Phụ nữ thấy các anh thường lánh mặt. Phải cùng với bộ đội biên phòng, chính quyền xã tìm đến đồng bào, tặng quà, tặng thuốc men, tặng cả rau tăng gia để hướng dẫn họ biết trồng rau, quan hệ quân dân mới dần xích lại. Biết dân bản còn chưa có nhà văn hóa, anh Thăng cùng đồng đội bàn nhau, xây dựng doanh trại xí nghiệp là một ngôi nhà gỗ kiên cố, trị giá hơn một trăm triệu đồng, khi nào làm xong con đường, sẽ tặng lại bà con làm nhà văn hóa.

Ở Dục Nông (Kon Tum), khi bộ đội Công ty ACC tới làm đường tuần tra biên giới, tự nhiên số gia đình dựng nhà mới tăng lên gấp bội. Anh A Ban, một người nông dân thuần phác thật thà kể với chúng tôi rằng: Bình thường, để dựng được ngôi nhà, trai tráng cả làng lấp đất, làm nền có khi mất cả năm trời. Nay bộ đội có máy ủi, máy xúc, chỉ cần “cái máy nó chạy một lúc” bằng cả bản làm cả năm. Cũng có khi, máy móc trên đường về, theo lời đề nghị của trưởng bản, anh em đào giúp một chút, đã giúp bản có thêm rãnh nước. Chỉ riêng trong năm 2009, anh em đã đào được hơn 10 cái giếng giúp dân ở thôn Đác Xây. Sự xuất hiện của những máy móc, thiết bị xây dựng hiện đại quả là cơ hội quý giúp đỡ đồng bào rất nhiều việc. Chính vì thế nên theo khi con đường đi qua các nương rẫy có sẵn của gia đình các anh A Soong, A Lỗi, A Ban, họ đều vô tư giúp bộ đội. Riêng gia đình anh A Lỗi, dù rất nghèo nhưng vẫn cho bộ đội mượn đất bắc cầu đi qua vườn, lại cho mượn ruộng làm kho để vật liệu. Anh theo đạo Tin lành, không biết chữ, nói chuyện rất hồn nhiên: “Bao giờ tỉnh làm xong cái đền bù thì làm thôi, mình thấy giúp bộ đội làm đường nhanh hơn thì cái chân đi sướng hơn”.

Đất lạ hóa quê hương

Một bữa, Lê Anh Tuấn, 33 tuổi, cán bộ Công ty Đường Việt bị sốt ác tính do côn trùng đốt khi đang đi khảo sát. Tuấn lên cơn, mặt tái nhợt, mắt nhắm nghiền, ngất đi, mạch càng lúc càng yếu. Anh em cuống cuồng khiêng đi tìm trạm xá, dọc đường gặp một ông lão người dân tộc thiểu số. Ông mở chăn nhìn Tuấn rồi hốt hoảng nói:

- Nguy lắm rồi, không chữa nhanh là nó chết đó!

- Chữa cách nào già ơi! – anh em hốt hoảng.

- Chỉ có một cái thôi…

Cái mà ông già nói anh em nghe xong đã… suýt ngất. Theo kinh nghiệm của ông già, phải tìm một cô gái chưa chồng, cho người bệnh ngậm nhũ hoa của cô. Trời! Giữa rừng này tìm một phụ nữ đã khó, nói chi tìm được cô gái chưa chồng. Lại còn chuyện nhờ được cô ta cho… bú, chắc khó hơn lên trời! Thế nhưng ông già quả quyết:

- Đi theo tao!

Ông đưa anh em cắt rừng, tới một trường tiểu học gần đó. May sao ở đây có một cô giáo chưa chồng. Anh em ai nấy mặt đỏ như gà chọi, chẳng biết trình bày ra sao. May nhờ cụ già, cô gái thương tình đồng ý. Quả nhiên sau khi được… “ngậm”, cậu Tuấn dần dần hồi tỉnh, mạch khá lên. Giờ đây, Tuấn đã vượt qua cơn nguy biến và lại đi khắp các nẻo rừng nhưng với anh, sự dũng cảm của cô giáo nọ là ơn nghĩa anh không thể nào quên. Tây Nguyên đã trở thành quê hương thứ hai của cuộc đời anh.

Chung suy nghĩ như Tuấn, Thượng tá Trần Quốc Chính, Phó chỉ huy trưởng đơn vị H93, tạm biệt vợ con ở Cam Ranh, đi biền biệt cùng đồng đội lăn lộn trên nẻo rừng Bù Gia Mập suốt từ năm 2004 đến nay đã coi nơi đây gần như một miền quê mới. Riêng đồng đội của anh, đã có tới 5 quân nhân trẻ lấy vợ người địa phương. Bình yên đã trở lại trên vùng đất “nóng” năm nào và tình yêu cùng nhiệm vụ mở đường đã biến đất lạ hóa quê hương của họ…

 

NGUYÊN MINH – ĐỨC TOÀN


(Theo website Trần Đại Quang)
Xem thêm: Trần Đại Quang

Leave a Reply

Recommended Post Slide Out For Blogger