Bộ trưởng Trần Đại Quang: Liên kết cảnh sát toàn cầu vì một thế giới hòa bình, ổn định

0 nhận xét

Chiều 29/10, tại Trụ sở Chính phủ, ngay sau khi dự buổi tiếp khách quốc tế của Thủ tướng, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Chính phủ nhân sự kiện kỳ họp Đại Hội đồng Interpol lần thứ 80 diễn ra tuần tới tại Hà Nội.

Thưa Bộ trưởng, Kỳ họp lần này của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol (In – tơ- pôn) diễn ra tại Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với tình hình quốc tế nói chung và đối với Việt Nam nói riêng?

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã có những đóng góp rất tích cực trong phối hợp với Interpol về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã có những đóng góp rất tích cực trong phối hợp với Interpol về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia

Bộ trưởng Trần Đại Quang:  Như các bạn đã biết, trên thế giới đang diễn ra xu thế toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, theo đó hoạt động tội phạm xuyên quốc gia diễn biến phức tạp hơn với các thủ đoạn tinh vi, trên phạm vi rộng và xuất hiện những loại tội phạm mới, phi truyền thống, lợi dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để phạm tội. Hậu quả tội phạm xuyên quốc gia gây ra rất nguy hiểm và có tính toàn cầu. Do vậy cuộc đấu tranh chống loại tội phạm này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng thi hành pháp luật, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát của các quốc gia trên toàn thế giới.

Qua 88 năm hình thành, phát triển, lực lượng Interpol đã và đang khẳng định vị trí quan trọng của mình với đường lối hoạt động và chiến lược phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng một thế giới an toàn, hòa bình, ổn định và phát triển.

Hoạt động của Interpol đã và đang phát huy vai trò của một trung tâm điều hành, chỉ huy mang tính toàn cầu nhằm xây dựng khuôn khổ hợp tác thực thi pháp luật với tôn chỉ, mục đích rõ ràng, có hành lang pháp lý và cơ chế hoạt động linh hoạt để hỗ trợ lực lượng Cảnh sát các nước thành viên nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia.

Đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nói chung, lực lượng Công an nhân dân nói riêng, việc Việt Nam được chọn là nước đăng cai kỳ họp này thể hiện sự tin tưởng và tín nhiệm cao của Interpol cũng như của các quốc gia trên thế giới đối với đất nước, con người Việt Nam, đồng thời là sự ghi nhận, đánh giá cao vị trí, vai trò và những đóng góp tích cực của lực lượng Cảnh sát Việt Nam kể từ khi gia nhập Tổ chức từ năm 1991 tới nay.

20 năm qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng luôn chủ động và tích cực hợp tác chặt chẽ trên nhiều mặt với lực lượng Cảnh sát các nước trong nỗ lực đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia. Kết quả đó góp phần tích cực đảm bảo an ninh trật tự của đất nước, gìn giữ an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Kỳ họp lần này tiến hành một khối lượng công việc rất lớn, tôi tin rằng, với kinh nghiệm của Ban lãnh đạo Thường trực, sự nỗ lực của các thành viên và những đóng góp của Công an Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà đăng cai, chắc chắn kết quả thành công của kỳ họp sẽ mở ra triển vọng mới trong việc phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; quan trọng hơn đó là sự liên kết Cảnh sát toàn cầu vì một thế giới an toàn, hòa bình, ổn định và phát triển như chủ đề mà kỳ họp hướng tới.

Gia nhập Interpol đã được 20 năm, thưa Bộ trưởng, lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã có vai trò và vị trí như thế nào trong một tổ chức quan trọng toàn cầu như vậy?

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Ngày 4/11/1991 đánh dấu sự kiện quan trọng: Lực lượng Cảnh sát Việt Nam trở thành thành viên thứ 156 của Interpol, mở ra cơ chế hợp tác đa phương thực thi pháp luật trên phạm vi rộng nhất từ trước tới nay. Thông qua kênh hợp tác Interpol, lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã và đang mở rộng hợp tác rất có hiệu quả với lực lượng Cảnh sát các nước thành viên Interpol không chỉ trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm mà còn hợp tác trong đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực chiến đấu, xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, hiện đại. Việc tham gia Tổ chức này cũng đóng góp to lớn vào quá trình giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và công cuộc đổi mới đất nước.

20 năm qua, lực lượng Cảnh sát Việt Nam đã thực hiện tốt hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, phối hợp có hiệu quả với các cơ quan thi hành pháp luật của các nước thành viên, các đơn vị nghiệp vụ. Kết quả này thể hiện trên các mặt như: tiếp nhận và xử lý thông tin; công tác phối hợp đấu tranh chống tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường, tội phạm khủng bố. Lực lượng Cảnh sát Việt Nam phối hợp tích cực trong công tác tương trợ tư pháp về hình sự, thực hiện công tác truy nã, dẫn độ, công tác xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu thông tin tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam phục vụ chỉ huy, chỉ đạo. Những nội dung đó một mặt thể hiện kết quả hợp tác trong khuôn khổ Interpol, ASEANAPOL về đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, mặt khác đã góp phần nâng cao vị thế Công an nhân dân Việt Nam và xây dựng, củng cố lòng tin với lực lượng thi hành pháp luật của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Văn phòng Interpol của Bộ Công an Việt Nam làm việc với cảnh sát nước ngoài

Văn phòng Interpol của Bộ Công an Việt Nam làm việc với cảnh sát nước ngoài

Gia nhập Tổ chức này, lực lượng Cảnh sát Việt Nam phải thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả nghĩa vụ một quốc gia thành viên, điều đó đặt ra yêu cầu nào đối với chúng ta trong việc phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Trước hết chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tội phạm, đây là yêu cầu rất quan trọng. Từ thực tiễn các vụ án đã phát hiện, điều tra, xử lý ở Việt Nam cũng như qua kinh nghiệm các nước, chúng ta cần nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân phát sinh loại tội phạm xuyên quốc gia, những khó khăn, vướng mắc về pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế xã hội cũng như công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược chuyên sâu phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài giai đoạn 2011 – 2020. Tổ chức rà soát, đánh giá lại hiệu quả thực hiện các văn bản pháp luật hiện hành cũng như những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia. Từ đó tham mưu cho Nhà nước có phương án xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này như: Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức; Luật Chống tội phạm công nghệ cao; Luật Bảo vệ nhân chứng…

Một buổi diễn tập của các chiến sỹ cảnh sát đặc nhiệm. Ảnh tư liệu

Một buổi diễn tập của các chiến sỹ cảnh sát đặc nhiệm. Ảnh tư liệu

Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, chúng ta phải có lực lượng và phương tiện đủ mạnh. Về lực lượng, Bộ Công an đã chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ Cảnh sát có nghiệp vụ chuyên môn cao, hiểu biết sâu cả về luật pháp trong nước và quốc tế, có trình độ ngoại ngữ và giàu kinh nghiệm trong đấu tranh loại tội phạm này. Bộ sẽ nghiên cứu từng bước hình thành các lực lượng chuyên trách chống tội phạm xuyên quốc gia, đủ sức thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới. Lực lượng chuyên trách này tập trung ở các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ và Công an các địa phương trọng điểm. Theo đó, tăng cường đào tạo và tập huấn chuyên sâu cho lực lượng này, hướng dẫn pháp luật trong điều tra, xử lý các vụ án tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Xem xét triển khai mạng lưới sỹ quan liên lạc của Cảnh sát Việt Nam tại các nước có tình hình tội phạm xuyên quốc gia phức tạp liên quan Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi trong hợp tác giữa Cảnh sát Việt Nam với Cảnh sát các nước.  Về phương tiện, Bộ Công an sẽ quan tâm đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện, thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Thưa Bộ trưởng, đến giờ này, công tác chuẩn bị  kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 đã được tiến hành như thế nào?

Bộ trưởng Trần Đại Quang : Việt Nam từng đăng cai tổ chức thành công tốt đẹp nhiều sự kiện, hội nghị quốc tế lớn như ASEM 5 năm 2004, Hội nghị APEC 14 năm 2006, Đại lễ Phật đản năm 2008… Kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần này, Bộ Công an Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị với quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Các biện pháp nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho kỳ họp; các điều kiện cần thiết phục vụ thành công cho kỳ họp đã sẵn sàng; đồng thời chúng ta cũng sẽ đưa ra những sáng kiến, đóng góp quan trọng về nội dung, chủ đề, các diễn đàn thảo luận, trao đổi, đảm bảo kỳ họp thành công tốt đẹp nhất

Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Trung Nghĩa thực hiện


(Theo website Trần Đại Quang)
Xem thêm: Trần Đại Quang

Leave a Reply

Recommended Post Slide Out For Blogger