Bài viết của GS, TS Trần Đại Quang về nhiệm vụ trọng tâm của Công an nhân dân

0 nhận xét

BBT trân trọng giới thiệu bài viết của GS, TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trung tướng, Bộ trưởng Bộ Công an về các nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Đổi mới tư duy bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ hội nhập

Những năm qua, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới, trong khu vực diễn biến rất phức tạp và khó lường. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo, nhưng chiến tranh cục bộ, hoạt động khủng bố, xung đột vũ trang, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ vẫn xảy ra ở nhiều nơi và ngày càng phức tạp hơn, xuất hiện thêm nhiều “điểm nóng” mới. Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, chính sách theo xu hướng đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Quan hệ quốc tế đan xen giữa hợp tác và đấu tranh, nhưng có những diễn biến phức tạp hơn, tranh giành ảnh hưởng và lợi ích chiến lược quyết liệt hơn. Chạy đua vũ trang gia tăng trong bối cảnh đang hình thành một trật tự “thế giới đa cực”. Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ và toàn cầu  hóa  kinh  tế  tiếp  tục phát triển, vừa tạo ra thời cơ, vừa đặt ra những thách thức lớn cho quá trình phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền và an ninh của các quốc gia. Cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, tình trạng nợ công gia tăng, vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ô nhiễm và suy thoái môi trường, dịch bệnh, hoạt động khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia… đang đe dọa sự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các nước lớn tăng cường can dự, mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Những biến động của tình hình thế giới và khu vực đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia (ANQG) của Việt Nam.

Đồng chí Trần Đại Quang kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng tại vườn quốc gia U Minh Hạ - Ảnh: Chinhphu

Đồng chí Trần Đại Quang kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng tại vườn quốc gia U Minh Hạ - Ảnh: Chinhphu

Những thành tựu qua 25 năm đổi mới đã tạo cho Việt Nam thế và lực mới. Chính trị – xã hội ổn định, kinh tế – xã hội phát triển, đối ngoại mở rộng, vị thế của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình an ninh – trật tự (ANTT) có những diễn biến phức tạp mới. Lợi dụng những sơ hở, trong quá trình thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập của Việt Nam, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động “diễn biến hòa bình”; tác động chuyển hoá nội bộ; cổ vũ, tiếp tay cho các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước công khai chống lại Ðảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Các thế lực thù địch và các đối tượng phản động ráo riết tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Ðảng, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; kích động tư tưởng ly khai, tự trị ở vùng dân tộc thiểu số; gây nghi ngờ, chia rẽ trong nội bộ, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Ðảng; kích động tập hợp lực lượng, tìm cách thành lập các tổ chức chính trị đối lập, chuẩn bị điều kiện tiến hành cuộc “cách mạng màu” nhằm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.

Một số phần tử cơ hội trong nước đã công khai phê phán đường lối, quan điểm của Ðảng, đòi thay đổi chế độ chính trị, phụ họa với các luận điệu và âm mưu của các thế lực thù địch. Tham nhũng, tiêu cực chưa giảm, có chiều hướng gia tăng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. An ninh xã hội nổi lên các vụ khiếu kiện tập trung đông người, kéo dài liên quan đến đất đai, tôn giáo; tình trạng đình công, lãn công trong công nhân, biểu tình tự phát trong học sinh, sinh viên; nguy cơ xảy ra biểu tình, gây rối, gây bạo loạn ở vùng dân tộc thiểu số… vẫn diễn biến phức tạp.

Hoạt động của các loại tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn. Tai nạn giao thông tuy đã được kiềm chế, nhưng vẫn ở mức cao, nhiều vụ nghiêm trọng; thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Lực lượng Công an nhân dân giúp dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt. - Ảnh: Công an Nghệ An

Lực lượng Công an nhân dân giúp dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt. - Ảnh: Công an Nghệ An

Trong bối cảnh đó, quán triệt Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng, lực lượng công an đã kịp thời đổi mới tư duy, nhận thức về bảo vệ ANQG trong thời kỳ hội nhập; đổi mới quan điểm, chủ trương, đối sách; tăng cường phối hợp các cấp, các ngành, sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp bảo vệ vững chắc ANQG, trật tự an toàn xã hội (TTATXH), góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho quá trình đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước và hội nhập quốc tế. Lực lượng công an đã chủ động nắm và kiểm soát được tình hình; kịp thời tham mưu cho Ðảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, quyết sách phù hợp trong nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại; phối hợp các lực lượng chức năng chủ động đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, không để xảy ra các hoạt động khủng bố, phá hoại, tập hợp lực lượng thành lập tổ chức chính trị đối lập; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, các hội nghị quan trọng của khu vực và quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.

Công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa – tư tưởng, an ninh kinh tế… thực hiện có hiệu quả. Công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có bước phát triển mới với nhiều mô hình tiên tiến được nhân rộng. Lực lượng công an đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ ANTT, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09 và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn TTATXH; bài trừ tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ.

Diễn tập phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, xử lý cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. - Ảnh: CAND

Diễn tập phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, xử lý cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. - Ảnh: CAND

Lực lượng CAND ngày một trưởng thành về mọi mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Ðảng, Nhà nước và nhân dân, thật sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH. Tuy nhiên, những năm qua công tác bảo vệ ANTT còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ ANQG mà Ðại hội X của Ðảng đã đề ra chưa kịp thời; công tác nghiên cứu, phân tích dự báo chiến lược có bước tiến lớn, nhưng vẫn còn hạn chế; công tác bảo vệ an ninh nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước còn sơ hở. Công tác phát hiện, đấu tranh với một số loại tội phạm mới, tội phạm kinh tế, tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao. Công tác tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng, phát triển lý luận bảo vệ ANTT chưa theo kịp tình hình. Cơ sở pháp lý cho các hoạt động bảo đảm ANTT chưa đồng bộ. Vẫn còn những cán bộ, chiến sĩ công an mắc sai phạm, phải xử lý kỷ luật làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm

Ngày nay, dù thế giới hòa bình không còn “chiến tranh lạnh”, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, đó lại là một nền “hòa bình nóng”. Các nước lớn sẽ tiếp tục điều chỉnh chiến lược theo hướng tăng cường vai trò, ảnh hưởng trên thế giới, tìm cách chi phối những khu vực có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng. Tình hình tranh chấp trên Biển Ðông tiếp tục diễn biến phức tạp. Mỹ tăng cường sự hiện diện ở Ðông – Nam Á. Các mối đe dọa ANQG đối với nước ta những năm tới sẽ là: Sự gia tăng hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và dấu hiệu chệch hướng XHCN cùng với những vấn đề phức tạp về an ninh xã hội; vấn đề chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới; sự tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khu vực và thế giới. Ðặc biệt, chúng ta đang phải đối mặt những thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, phạm vi đe dọa ngày càng rộng và mức độ thiệt hại ngày càng lớn, nhất là: An ninh tài chính, ngân hàng; an ninh năng lượng, an ninh lương thực; biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh… Do đó, lực lượng CAND phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, bao gồm nhiệm vụ, công tác trọng tâm sau:

Bộ trưởng Trần Đại Quang trao Giấy chứng nhận Thanh niên Công an tiêu biểu cho thân nhân Trung úy Lê Thành Tâm (đã hy sinh)

Bộ trưởng Trần Đại Quang trao Giấy chứng nhận Thanh niên Công an tiêu biểu cho thân nhân Trung úy Lê Thành Tâm (đã hy sinh)

Một là, nhận thức sâu sắc về con đường, bước đi của cách mạng nước ta được Ðảng đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); quán triệt mục tiêu bao trùm của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 là phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị – xã hội ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; bảo đảm vị thế của Việt Nam được nâng cao hơn trên trường quốc tế.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác nắm và dự báo tình hình, nhất là công tác dự báo chiến lược; đề xuất với Ðảng, Nhà nước hoàn thiện các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các phương châm, nguyên tắc nhằm phát huy mọi tiềm lực, khả năng và sức mạnh tổng hợp của toàn Ðảng, toàn dân, các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Tiếp tục đổi mới nhận thức về ANQG và bảo vệ ANQG trong thời kỳ hội nhập quốc tế và trong xu thế toàn cầu hóa. Phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, khai thác hợp lý sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bất cứ tình huống nào cũng phải giành thế chủ động trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng và sự quản lý của Nhà nước về ANTT. Tiếp tục triển khai có hiệu quả những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về nhiệm vụ bảo đảm ANQG mà Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng đề ra; khẩn trương hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về ANTT. Phát huy tốt nhất sự phối hợp hiệp đồng giữa lực lượng công an với các ban, ngành, đặc biệt là lực lượng quân đội, tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý nhà nước về ANQG.

Bốn là, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong bảo vệ ANQG, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đấu tranh phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm nguy hiểm. Phát triển quan hệ đối ngoại an ninh gắn với các hoạt động đối ngoại của Ðảng, Nhà nước, đối ngoại nhân dân; kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa với ngoại giao an ninh – quốc phòng, góp phần hình thành “mặt trận” quốc tế ngăn chặn âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền ANQG. Tiếp tục hợp tác các nước ASEAN, các nước láng giềng, trong khu vực và trên thế giới trong đấu tranh, ngăn chặn ý đồ phá hoại của các đối tượng phản động lưu vong; phòng, chống tội phạm, khủng bố, bảo đảm an ninh biên giới, biển đảo, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích chung và của mỗi quốc gia trong khu vực.

Đồng chí Trần Đại Quang thăm Công an tỉnh Lạng Sơn. - Ảnh: CAND

Đồng chí Trần Đại Quang thăm Công an tỉnh Lạng Sơn. - Ảnh: CAND

Năm là, tăng cường công tác nghiên cứu chiến lược và nghiên cứu khoa học; từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận khoa học an ninh đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ chức lại các đơn vị làm công tác tham mưu chiến lược theo hướng tập trung, chuyên sâu với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn hóa cao; phát huy vai trò của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức CAND, đồng thời tham mưu cho Ðảng, Nhà nước hoạch định chính sách, chiến lược bảo vệ ANQG trong thời kỳ mới.

Sáu là, nâng cao tiềm lực và sức chiến đấu của lực lượng CAND theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH. Nâng cao năng lực lãnh đạo trực tiếp và toàn diện các mặt công tác của Ðảng ủy Công an Trung ương; năng lực quản lý điều hành của lãnh đạo các cấp trong lực lượng CAND. Tập trung xây dựng các tổ chức Ðảng, cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng; tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, gắn với thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, đưa phong trào phát triển sâu rộng, phát huy hiệu quả cao.

Bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH là nhiệm vụ nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang của lực lượng CAND. Phát huy truyền thống, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, lực lượng CAND nguyện chung sức, chung lòng, quyết tâm cùng toàn Ðảng, toàn dân, các ngành, các cấp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tăng cường sự ổn định chính trị – xã hội, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh CNH, HÐH và hội nhập quốc tế của đất nước.

*Tít nhỏ trong bài do BBT đặt


(Theo website Trần Đại Quang)
Xem thêm: Trần Đại Quang

Leave a Reply

Recommended Post Slide Out For Blogger