Tổng thống Libya Moammar Gadhafi đặt điều kiện để từ chức

0 nhận xét

Sau tuyên bố mang tính ủng hộ việc không công nhận sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Moammar Gadhafi tại Libya của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và hành động chấp nhận đứng ra làm trung gian hòa giải cuộc chiến ở quốc gia Bắc Phi này của Nga, Tổng thống Libya đã đưa ra điều kiện để từ chức.

Tờ báo Arab Al Sharq Al Awsat số ra ngày 29/5 cho biết, ông Moammar Gadhafi sẵn sàng từ bỏ quyền lực nếu ông và những người thân trong gia đình không bị truy tố trước tòa án hình sự quốc tế (ICC) tại The Hague. Con trai của ông Gadhafi là Saif al-Islam, người đứng đầu lực lượng quân đội ở Libya hiện nay đã được trao quyền thiết lập các kênh đối thoại nhằm giải quyết xung đột trong nước và những rắc rối nảy sinh với nước ngoài.

Tương lai nào cho những đứa trẻ Libya phải tháo chạy khỏi quê hương cùng cha mẹ bởi những cuộc không kích của NATO và trận chiến giữa quân đội chính phủ với lực lượng chống đối. (Ảnh: Reuters).

Quan điểm của Tổng thống Libya là NATO, Mỹ, Nga cùng các nước khác phải đảm bảo điều kiện nói trên cho ông trong trường hợp từ chức. Mặc dù vậy, trong những tuyên bố trước đó, ông Moammar Gadhafi vẫn bác bỏ khả năng này. Một số nguồn tin còn cho hay, nhiều thành viên trong gia đình ông Gadhafi và cả một số quan chức trong chính phủ Libya vẫn muốn ông này tiếp tục chiến đấu chống lại các cuộc không kích của NATO cũng như hành động bắn phá của lực lượng chống đối tại Benghazi.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Libya Abdelati al-Obeidi hiện đang ở Tunisia trong lần trả lời phỏng vấn hãng Al-Jazeera cho biết, ông đã nói chuyện với các nhà đàm phán Anh về việc thiết lập một kênh đối thoại nhằm chấm dứt xung đột. Nhưng ông Abdelati al-Obeidi lại từ chối cung cấp thông tin về việc ông Moammar Gadhafi có từ chức hay không.

Hiện chưa rõ Libya đã triển khai các kênh liên lạc đối thoại về vấn đề này như thế nào. Song, cả Mỹ, NATO và Nga đều nhanh chóng muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột tại Libya. Trong một diễn biến khác, từ hôm 28/5, NATO đã thực hiện 2 bước tấn công mới nhằm vào Libya. Theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox hôm 29/5, lực lương Không quân Hoàng gia Anh (RAF) sẽ sử dụng thêm bom phá boongke cho các chiến đấu cơ hoạt động tại Libya để củng cố thêm sức mạnh cho sứ mệnh của nước này tại Libya.

Lực lượng chống đối đang chuẩn bị đối phó với quân đội chính phủ ở khu vực cách Misratra 25km về phía Tây. Ảnh: AP.

Một vấn đề nữa cũng đang thu hút sự chú ý của dư luận là sự xuất hiện của cựu Ngoại trưởng Pháp Roland Dumas tại thủ đô Tripoli của Libya. Ông Roland Dumas đến quốc gia Bắc Phi này với tư cách là luật sư đại diện cho các nạn nhân bị đánh bom ở Libya, chuẩn bị một vụ kiện với NATO; đồng thời tuyên bố sẵn sàng bảo vệ cho Tổng thống Moammar Gadhafi nếu ông này bị đưa ra tòa án ICC.

Thông tin mà ông Roland Dumas cung cấp cho thấy, ông đã nhìn thấy những nạn nhân của bom NATO ở một bệnh viện và được bác sĩ kể rằng vẫn còn đến hơn 20.000 nạn nhân khác nữa. Quan điểm của cựu Ngoại trưởng Pháp về hành động nói trên của NATO là không thể chấp nhận được và NATO phải chịu trách nhiệm với những gì đã gây ra cho người dân Libya. Đồng hành cùng ông Roland Dumas trong chuyến đi này có luật sư nổi tiếng người Pháp Jacques Verges.

Xác nhận thông tin về vụ kiện do hai nhân vật nổi tiếng nước Pháp đảm đương, giới chức Libya cho biết, cả ông Roland Dumas và ông Jacques Verges đều tự nguyện làm việc này không công. Bản thân cựu Ngoại trưởng Pháp cũng bác bỏ thông tin về việc ông nhận được thù lao từ phía chính phủ Libya.

Nhiều nhà phân tích nhận định, tình hình ở Libya sẽ còn diễn biến khá phức tạp và những đề xuất kế hoạch từ chức đối với ông Moammar Gadhafi và việc ngừng bắn sẽ chỉ thực hiện nếu các bên đều có thiện chí giải quyết

Phan Hiển


(Theo www.trandaiquang.com)
Xem thêm: Trần Đại Quang

Leave a Reply

Recommended Post Slide Out For Blogger